Xây dựng mối quan hệ ứng xử tốt đẹp giữa giáo viên và học viên góp phần xây dựng văn hoá Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 20/12/2018 (GMT+7)

Trương Thị Hiền
Giáo viên Phòng Quản lý - Đào tạo
 
       Trong trường học nói chung và TTGDTX tỉnh nói riêng, xây dựng văn hóa ứng xử là việc làm không thể thiếu. Bởi xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học viên, sinh viên, học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù và sáng tạo.
  Văn hóa nhà trường có thể coi là cơ sở góp phần tạo nên kỹ năng sống của người học, giúp người học thích nghi với xã hội, có thể tự điều chỉnh mình phù hợp với hoàn cảnh, ứng xử hợp lẽ với cuộc sống xung quanh. Trong mỗi nhà trường, văn hóa được xây dựng trên các mối quan hệ: quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan; quan hệ giữa con người với con người (thầy - thầy, thầy - trò, thầy - phụ huynh, trò - trò). Song trong ở bất cứ thời đại nào, bất cứ trường học nào, thì mối quan hệ giữa Thầy và Trò vẫn là một biểu hiện cao quý nhất của đạo đức xã hội nói chung và đạo đức học đường nói riêng; là mối quan hệ biểu hiện tập trung nhất, xuyên suốt trong quá trình dạy và học, và cũng đồng thời, hàm chứa tính đa dạng và phức tạp, liên quan trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện. Chính vì lẽ đó, mà việc giải quyết tốt mối quan hệ Thầy- Trò sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu đào tạo và đặc biệt là góp phần xây dựng văn hoá nhà trường, đây là một trong những biểu hiện của giá trị cốt lõi trong nhà trường.
      Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ đề cập mối quan hệ này trong phạm vi đạo đức và phương thức ứng xử giữa giáo viên và học viên đang học tập tại TTGDTX tỉnh. Đây là vấn đề cần thiết để xây dựng văn hoá Trung tâm trong giai đoạn hiện nay.
       Trung tâm GDTX tỉnh là một đơn vị giáo dục đặc thù, đối tượng đến trường không thuần tuý là học văn hoá, đối tượng không thuần nhất là cô giáo và học sinh; mà ở đây đa dạng trên nhiều phương diện. Đến Trung tâm là được đào tạo và bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Vì Trung tâm là nơi đào tạo giáo dục phát triển nguồn nhân lực, là nơi cần gì học nấy, là môi trường tạo dựng nên một xã hội học tập. Xuất phát từ đặc điểm đó nên việc xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên và học viên ở Trung tâm là rất quan trọng. Mối quan hệ này có ảnh hưởng không nhỏ tới đội ngũ học viên là cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng ở Trung tâm. Đồng thời, ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng như ảnh hưởng lớn đến vị trí, vai trò, uy tín, danh dự của Trung tâm GDTX tỉnh.
       Mỗi người đến Trung tâm với một mục đích khác nhau, với nhiều hình thức học tập đa dạng; do đó học viên học tại TTGDTX tỉnh cũng có những đặc điểm riêng khác biệt so với học viên các trường khác đó là:
      - Đa số học viên của Trung tâm là những người ở độ tuổi lao động, phổ biến từ 30 tuổi trở lên, thậm chí có một số học viên ngoài 50 tuổi. Ở độ tuổi này, họ đã trưởng thành về nhận thức, nhân cách đã ổn định, bởi vậy tâm lý, quan niệm, tư tưởng khó thay đổi. Phần nhiều họ đang giữ chức vụ trong Đảng, chính quyền, đoàn thể. Họ là những người có năng lực, trình độ nhất định trên cương vị mà họ đảm nhiệm, kinh nghiệm công tác thực tiễn của họ phong phú. Về học vị, có một số người cao hơn cán bộ, giáo viên, dẫn đến những tác động khách quan trong một thời gian ngắn thường ít có tác dụng hoặc tác dụng không rõ rệt. Mặt khác, sự tác động của họ đối với giáo viên cũng thường mạnh mẽ và sâu sắc. Lại có một số học viên đi học với nhiều lý do, do cơ quan cử đi học trong đó có yếu tố bắt buộc, không thích, không hứng thú, không tự giác với việc học - có thể do hợp thức hóa, học để có bằng cấp….Có nhiều học viên dưới 30 tuổi, mới được nhận làm hợp đồng ở các cơ sở trường học, các cơ quan đơn vị xã, phường, tuổi đời còn trẻ, nghề nghiệp chưa ổn định dẫn đến kinh nghiệm sống, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng có phần hạn chế, có những học viên điều kiện kinh tế còn khó khăn. Với mục đích đi học khác nhau nên trong quá trình đến học có một bộ phận nghiêm túc trong học tập, chấp hành đầy đủ những nội quy, những quy định của Trung tâm, của lớp, của trường liên kết. Song bên cạnh đó vẫn còn phần đông học viên thường có một số hạn chế đã làm ảnh hưởng đến văn hoá học đường- văn hoá Trung tâm như: 
      - Một bộ phận học viên đôi khi thiếu tính nghiêm túc trong quá trình học tập như: làm việc riêng trong giờ học, đi học muộn, vắng học, nghỉ học mà không có lý do; không thực hiện đầy đủ những quy định của nhà trường, của lớp; có trường hợp vụ lợi: mong thầy “nhẹ tay”, mong thầy “giúp đỡ”…
      - Học viên các lớp liên kết một bộ phận nhỏ có những thời điểm xem nhẹ vai trò của cán bộ, GV trung tâm, chỉ quan tâm, tôn trọng những GV trực tiếp giảng dạy. 
      Tuy nhiên, để xảy ra những hiện tượng trên, có cả trách nhiệm thuộc về phía người giáo viên. GV quá tạo điều kiện cho học viên, đôi khi đề cao học viên, có lúc nể học viên. Bên cạnh đó còn có thời điểm giáo viên chưa thực sự gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đặc biệt một số GV chưa làm cho học viên thấy rõ vai trò của mình…    
      Vì vậy, để học viên nhận thức được vai trò của Trung tâm, nhận thức được vai trò của giáo viên trong quá trình học tập, góp phần xây dựng văn hoá trong Trung Tâm ngày càng tốt đẹp hơn, thì việc xây dựng mối quan hệ ứng xử giữa giáo viên và học viên là một việc làm không thể thiếu và cần luôn phải duy trì. 
       Mối quan hệ giữa giáo viên Trung tâm và học viên vốn đa dạng, phức tạp, nhiều chiều, biểu hiện ở cả hai mặt đạo lý và pháp lý. Và hiện tại mối quan đó nhìn chung là vẫn tốt, không có biểu hiện tiêu cực, quan hệ thầy - trò trong sáng, chan hòa. Cán bộ, giáo viên Trung tâm cơ bản được học viên yêu mến, tôn trọng, đánh giá cao về phẩm chất, đạo đức và năng lực giảng dạy, công tác chủ nhiệm. Song để mối quan hệ giữa giáo viên và học viên được duy trì và phát triển, góp phần xây dựng văn hoá trung tâm ngày một tốt đẹp hơn, thì mỗi giáo viên và học viên phải làm tốt được một số nét cơ bản. 
      Với học viên: Học viên phải nhận thức đúng vị trí của mình. Dù ở cơ quan, đơn vị mình có giữ chức vụ to đến đâu, nhưng khi đến Trung tâm đi học, mình là học viên, là người trò của thầy, cô. Vậy nên, trong quan hệ với thầy, cô phải tự giác nhận thức và có thái độ, phương thức ứng xử đúng mực với người thầy của mình; Hoc viên phải tôn trọng thầy, cô. Sự tôn trọng thầy, cô thể hiện trước hết và quan trọng nhất ở tinh thần học tập nghiêm túc, đáp ứng đầy đủ, có chất lượng cao yêu cầu nội dung học tập của thầy,cô, của lớp, của nhà trường đề ra. Chấp hành nghiêm túc nội quy học tập nhất là trong giờ lên lớp; có thái độ ứng xử lễ độ, đúng mực trong giao tiếp với thầy, cô, không phê phán bừa bãi. Việc đóng góp ý kiến, phê bình giáo viên đúng quy định của trường,…Học viên cần phải xác định đúng động cơ học tập. Trên cơ sở đó xây dựng mối quan hệ trong sáng, không vụ lợi đối với giáo viên. Đây chính là danh dự học viên. Từ đó, sẽ tránh được nhiều hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến quan hệ thầy - trò. Và trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên chúng ta phải làm cho học viên thấy được điều đó. 
* Với giáo viên: 
     Trước tiên mỗi giáo viên Trung tâm phải xác định đúng vị trí vai trò, nhiệm vụ của mình: Có thể về bằng cấp, chức vụ, học vị giáo viên không bằng học viên nhưng người giáo viên phải là khuôn mẫu, chuẩn mực, là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách và cách ứng xử cho người học. Cán bộ, giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức, người bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho học viên, người chủ nhiệm lớp mà còn là “cây cầu” nối giữa người dạy và người học tức là giữa giáo viên các trường Đại học và học viên trung tâm. Bởi vậy, mỗi cán bộ, giáo viên phải có chuyên môn nghiệp, vụ vững vàng, phải hiểu biết chức năng, nhiệm vụ, công việc của Trung tâm cũng như nhiệm vụ của cá nhân mình được phụ trách; Và một việc mà mỗi thầy cô vẫn phải duy trì thường xuyên đó là: Không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn giữ gìn phẩm chất người thầy; luôn phải sát sao và có trách nhiệm cao trong mỗi công việc; đặc biệt là phải luôn làm cho học viên tin tưởng.
        Người cán bộ giáo viên Trung tâm phải hiểu được tâm lý, nhu cầu của người đến trung tâm: Mỗi đối tượng, từng nhu cầu cụ thể sẽ có những đặc điểm khác nhau và cách cư xử khác nhau. Những đặc điểm này phần nào quy định nét tính cách và tâm lý riêng. Chính vì thế, cán bộ, giáo viên cần nhận thức đúng những đặc điểm ở mỗi cá nhân học viên để có phương thức ứng xử phù hợp, vừa tôn trọng người học, đồng thời có phương pháp xử lý thích hợp đối với những biểu hiện chưa phù hợp của học viên. 
         Giáo viên phải tôn trọng người học: Việc tôn trọng thể hiện ở việc tôn trọng nhân cách, danh dự, nhân phẩm người học; có thái độ khiêm tốn, coi trọng và học hỏi của giáo viên đối với kiến thức, kinh nghiệm của học viên; Luôn có tinh thần tận tụy, trách nhiệm đối với học viên; Tôn trọng học viên chính là yếu tố cơ bản làm cho học viên tôn trọng, yêu mến và phục tùng sự hướng dẫn, chỉ đạo của giáo viên. Ngược lại sự ủng hộ, hợp tác tích cực của người học nó lại giúp cho giáo viên cảm thấy phấn khởi, hứng thú, từ đó làm cho chất lượng, hiệu quả công việc sẽ được nâng cao. Mặt khác phải luôn yêu cầu cao học viên trong học tập và trong các hoạt động; Có những phản ứng tích cực trước những tác động mang tính vụ lợi từ học viên- đây chính là danh dự của người thầy, người giáo viên phải xác định rõ quan hệ giáo viên - học viên chỉ được xây dựng trên cơ sở và mục đích hướng tới mục tiêu chung của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, ngoài ra không có mục đích nào khác. 
       Giáo viên phải tạo thêm niềm tin đối với học viên: việc tăng cường thêm niềm tin yêu thì người thầy phải là biểu tượng cho sự công bằng, bình đẳng- công bằng là một trong những biểu hiện của lương tâm nhà giáo. Trong quan hệ với học viên, giáo viên không được phân biệt đối xử, định kiến, không phân biệt người có chức vụ cao hay thấp, nam hay nữ, người có hay không có mối quan hệ riêng với thầy. Sự bình đẳng thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong công tác quản lý lớp, trong đánh giá học viên, việc chấm bài….Và một việc làm không thể thiếu ở mỗi cán bộ, giáo viên là trong “lời ăn, tiếng nói”; mô phạm trong giao tiếp với tập thể và cá nhân học viên; phải biết chia sẻ, động viên, quan tâm đến học viên, thái độ, tác phong, cử chỉ đúng mực, song phải thực sự tiêu biểu cho môi trường sư phạm, môi trường văn hóa. Độ lượng, khoan dung với cá nhân, nhưng nghiêm khắc với tập thể. Hòa nhã, hòa đồng nhưng không cào bằng, theo đuôi học viên; nghiêm túc nhưng không lạnh lùng, xa cách người học. Trong giao tiếp, với cá nhân học viên, giáo viên phải là một người bạn, nhưng đó là một “người bạn lớn” về phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử; với tập thể lớp học, giáo viên là một thành viên, nhưng vẫn giữ vị trí độc lập của người thầy, người cô.
       Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy, người cô vẫn phải giữ đúng vị trí của mình. Chỉ có như vậy, người giáo viên mới được học viên tôn trọng. Khi học viên tôn trọng, thấy được vị trí, vai trò của cán bộ giáo viên. Học viên hiểu rõ được chức năng nhiệm vụ của Trung tâm thì những việc làm của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến học viên, làm cho học viên thấy mình cần phải thực hiện nghiêm túc những nội quy, quy chế phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, tôn trọng giáo viên hơn. Và những ấn tượng về thầy cô Trung tâm luôn để lại trong học viên không chỉ khi đang học mà mãi mãi sau này. Những việc làm, những hoạt động của Trung tâm được nhân rộng, được tuyên truyền, niềm tin, hình ảnh của trung tâm cũng được nhân lên. Góp phần xây dựng và phát triển Trung tâm một cách bền vững. Đây là việc làm không dễ dàng, nhưng đó là mục tiêu mà, toàn thể cán bộ, giáo viên Trung tâm phải phấn đấu đạt tới.
       Mỗi việc làm, mỗi cách ứng xử tốt đẹp của cán bộ, giáo viên và học viên góp phần làm cho mối quan hệ thầy - trò ở TTGDTX Tỉnh sẽ trở nên trong sáng hơn, tốt đẹp hơn, chất lượng giảng dạy và học tập sẽ được nâng cao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà. Và đặc biệt góp phần xây dựng văn hoá TTGDTX tỉnh Thanh Hoá ngày càng tốt đẹp hơn.
 
Truy cập
Hôm nay:
873
Hôm qua:
1045
Tuần này:
2961
Tháng này:
19027
Tất cả:
4047857