Giáo dục Việt Nam trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
Đăng lúc: 08/07/2017 (GMT+7)
(Thu hoạch từ thông tin thời sự của TS. Trần Hậu Ngọc - Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ngày 6/6/2017 tại Hội trường 25B Thanh Hóa).
Trong nhiều tháng qua, khái niệm "cách mạng công nghiệp 4.0" được nhắc đến nhiều trên truyền thông và ở một số chương trình liên quan. Cùng với đó là nhiều ý kiến trái chiều trước sự đón đợi làn sóng mới này. Vậy "cách mạng công nghiệp 4.0" là gì, cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào, đối với nền Giáo dục Việt Nam, chúng ta nên tiếp cận với “nó” ra sao?
Cách mạng công nghiệp 4.0 (hay cách mạng công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm trong một báo cáo của chính phủ Cộng hòa liên bang Đức năm 2013. Nội dung của báo cáo là: kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (hay cách mạng công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm trong một báo cáo của chính phủ Cộng hòa liên bang Đức năm 2013. Nội dung của báo cáo là: kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.
Nếu như trước đó: cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên với đột phá là sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất (cuối thế kỷ 18); cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra với đột phá là nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt (nửa cuối thế kỷ 19), cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất (vào khoảng năm 1970), thì cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học (đầu thế kỷ 21). Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Nếu như thời gian xuất hiện những đột phá của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó là khoảng 100 năm (thế kỷ), thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này chỉ có khoảng hơn 30 năm. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tiến triển rất nhanh, hơn nữa nó đang làm đảo lộn hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Chiều rộng và chiều sâu của của cách mạng công nghiệp 4.0 này dự báo sẽ là sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo, Vạn vật kết nối - Internet và dữ liệu lớn. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học. Cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Còn lĩnh vực Vật lý sẽ là vật lý với robot thế hệ mới (máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano...).
Hiểu như vậy, chúng ta có thể thấy hiện nay cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển trên thế giới, như Mỹ, một số nước châu Âu, một phần châu Á.
Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt: Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể gây ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là nó có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi mà tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi mà robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.... Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi. Sau những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ luỵ của nó sẽ là rất lớn. Nếu chúng ta không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làm sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn về các mối quan hệ xã hội trên diện rộng từ địa phương cho đến toàn cầu. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ luỵ khôn lường.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra nguy cơ mất lao động hàng loạt song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới.
Rõ ràng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này được. Trước cơ hội và thách thức đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến giáo dục của chúng ta như thế nào? Theo Giáo sư Phan Văn Trường (chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế): “cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự đóng góp của mọi giới năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu, tự động viên, nhất là óc sáng tạo. Bao nhiêu cái “tự” đó khó lòng sinh tồn trong một cơ chế “đợi lệnh trên”.
Giáo viên tương lai của nước ta sẽ phải dạy trẻ tự học, tự tiến bộ, tự tư duy. Giá trị cốt lõi của giáo dục không còn là bằng cấp, mà là giá trị “sản phẩm” mà giáo dục tạo ra cho xã hội. Sự cạnh tranh sẽ không còn từ quốc gia này với quốc gia nọ, mà các công dân trên toàn cầu phải cạnh tranh ở mọi nơi mọi lúc. Thách thức ở đây chủ yếu dành cho những người quản lý giáo dục, đặc biệt là những người phụ trách về chính sách.
Để hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong giáo dục người máy sẽ không thể soán ngôi để thay thế hoàn toàn con người, nhưng cuộc đua sẽ rất cởi mở và liên tục. Trong cuộc đua này, ai có tâm, có tài và có thiện chí chắc chắn sẽ có việc làm, đơn giản vì “đây là cuộc cách mạng không có giới hạn”.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người sẽ được đánh giá theo giá trị thật họ mang tới cho xã hội, bất chấp bằng cấp, bất chấp xuất xứ, bất chấp con người đó có vị thế như thế nào, có nhiều tiền hay ít; không ai phải lo mất việc nếu đủ sức gia nhập thế giới “tạo giá trị”, bởi thế giới này có quá nhiều việc phải làm, mỗi việc lại là nguồn cảm hứng cho hàng ngàn việc khác. Tất nhiên, những người học thuộc lòng, thi lấy điểm, học lấy bằng sẽ mất chỗ đứng. Giáo viên nào không thay đổi tư duy cũng sẽ mất chỗ làm việc. Chắc chắn những tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ... nếu không đúng giá trị, nó sẽ nằm yên trong tủ, không còn là tấm hộ chiếu cho bất kỳ một chức vị nào...
Chúng ta phải sớm thích ứng với việc học và làm việc không chỉ là cho bản thân mình, mà là cho cả loài người. Xu thế mới trong công việc sẽ là làm việc theo nhóm; nhóm làm việc sẽ là bắt buộc, không chỉ làm việc với bạn bè thân hữu mà phải làm việc với những người không quen biết trên thế giới có cùng chung chí hướng. Điều này đòi hỏi một phong cách làm việc kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, cẩn mật, có óc tổ chức, tư duy thương thảo và khả năng truyền thông với nhiều ngoại ngữ khác nhau, khả năng giải quyết mâu thuẫn, thậm chí xung đột từ xa… Sẽ không có chỗ cho kiểu việc làm tạm bợ, kiểu làm việc theo chỉ cần có “vị trí”, kiểu làm việc không hiểu hoặc không tôn trọng luật pháp hiện tại; đòi hỏi người tham gia phải có một trình độ văn hóa cao để dễ hòa nhập giữa các cộng đồng, chủng tộc, đạo giáo.
Với cách hiểu như vậy để cùng hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần phải học, trao đổi, tham khảo, so sánh và cạnh tranh nhiều. Phải “phóng thích” mình khỏi những gò bó, phải sớm tự lập thực sự bằng cách sống riêng, phải học sức chịu đựng cao từ những áp lực từ bên ngoài… Phải chuẩn bị cho người học tính tự lực tự cường trong mọi tình huống (học tập cũng như sinh hoạt). Giáo dục cần phải sớm thích ứng, làm tốt công tác “Dự báo, đi tắt, đón đầu”, tập trung đào tạo một thế hệ mới, thế hệ của “công dân toàn cầu”.
Trần Văn Hạnh - PGĐ Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa.
Các tin khác
- Nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc - góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tại Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa
- Xây dựng mối quan hệ ứng xử tốt đẹp giữa giáo viên và học viên góp phần xây dựng văn hoá Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hoá
- Tuân thủ nguyên tắc phối hợp là yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả trong công việc
- Trách nhiệm và sự chia sẻ trách nhiệm - bài học cho cuộc sống từ công việc
- Giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên và người lao động ở Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa
- Nhận thức rõ về nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao - một yêu cầu cần thiết của cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động Trung tâm
- Giáo dục Việt Nam trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
- Nhiệt huyết, trí tuệ, tự tin - Những phẩm chất cần có của cán bộ giáo viên, nhân viên, người lao động - Nền tảng vững chắc tạo niềm tin và uy tín cho Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa phát triển
- Quyết định của Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh về việc công nhận kết quả SKKN năm học 2015-2016
- Bàn về hướng tiếp cận hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông.
Danh mục menu
Liên kết website
Truy cập
Hôm nay:
889
Hôm qua:
1045
Tuần này:
2977
Tháng này:
19043
Tất cả:
4047873