Trách nhiệm và sự chia sẻ trách nhiệm - bài học cho cuộc sống từ công việc

Đăng lúc: 20/12/2018 (GMT+7)

Thạc sỹ: Đỗ Thị Sen
TP Ngoại ngữ - Tin học
 
       Bất cứ một cá nhân nào trong xã hội đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ của mình với các thành tố cấu thành mối quan hệ đó: là thành viên của gia đình, dòng họ, địa phương, đơn vị nơi mình công tác, là công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại…Trong mỗi vị trí đó, chúng ta đều muốn mình làm tròn và làm tốt vai mà mình đang đảm nhiệm. Nhưng thực tế, việc làm tròn và làm tốt vai của mỗi cá nhân có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó “trách nhiệm” và “sự chia sẻ trách nhiệm” là những yếu tố làm nên sự thành công, mà điển hình là sự thành công trong công việc – một chất dẫn cho những chuỗi thành công khác trong cuộc sống. 
       Chúng ta có thể hiểu “trách” là chức trách, bổn phận được giao, “nhiệm” là nhiệm vụ. “Trách nhiệm” theo Từ điển tiếng Việt là “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”; hay “được hiểu là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm làm đúng đắn, nếu sai trái thì phải chịu phần hậu quả”; hoặc “là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”.(0) Cụ thể hơn, trách nhiệm là một khái niệm kép, vừa thuộc phạm trù đạo đức, vừa thuộc phạm trù pháp luật. Có loại trách nhiệm chỉ chịu sự phán xét của dư luận, đạo đức. Có loại trách nhiệm còn chịu sự xét xử của pháp luật. Như vậy, có thể hiểu thêm “Trách nhiệm” không chỉ bao hàm nhiệm vụ và chức trách thuộc về trí não, nó còn bao hàm cảm xúc cao hơn thuộc về Tâm. Cho nên nói trách nhiệm xuất phát từ Tâm là đầy đủ nghĩa. 
       Tuy vậy, trách nhiệm mà chỉ đóng khung bởi “trách nhiệm” của thì chưa tới cái cốt lõi của nó. Trách nhiệm là một loại năng lượng cần phải cho đi, cần phải có sự “chia sẻ”. Đó mới là cái lõi của “ trách nhiệm”.
       Vậy sẻ chia là gì? Sẻ chia là một dạng tình cảm xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm, và tình yêu thương được thể hiện khi ta biết quan tâm, lo lắng và giúp đỡ những người xung quanh. Nói cách khác, chia sẻ chính là cho đi mà không mong được nhận lại.
       Chia sẻ khác với trao đổi, trao đổi ngụ ý có một mục đích nào đó, một giá trị quy đổi nào đó cần thực hiện, có sự qua lại một cách tương đương. Chia sẻ không phải trao đổi cũng không phải mua bán, nó là sự cho đi mà không bận tâm, không cần nhận lại.
       Chia sẻ trách nhiệm là hành động thực hiện trách nhiệm một cách tự nguyện, có tâm. Đó chính là sự giải phóng năng lượng một cách tự nguyện, vô mục đích. Các nhiệm vụ không phải chức trách của mình nhưng nó nằm trong lợi ích của tập thể, của tổ chức hay rộng hơn của cộng đồng, quốc gia, dân tộc, khi mình chia sẻ thì “nhiệm” của mình được thực hiện một cách tự nhiên, có ý thức, có sự tỏa hương thơm của Tâm.
       Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn đề cao tinh thần trách nhiệm. Theo quan điểm Người, “tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,v.v. là không có tinh thần trách nhiệm” (1). Người nhấn mạnh: Người cán bộ có trách nhiệm là người: 
Thứ nhất phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học: 
       Người cán bộ, đảng viên, công chức làm việc công, tiêu tiền công, lại có ít nhiều quyền hành nếu không có ý thức, tinh thần trách nhiệm cao, không có tính tiên phong gương mẫu, không vượt lên được chính bản thân mình, không biết tiết kiệm, lại còn tiêu xài phung phí của công thì rất dễ hủ bại, tha hóa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dân tộc biết Cần, Kiệm, Liêm, Chính “là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. 
       Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức phải chịu khó, chăm chỉ trong công việc được giao, làm việc phải có tổ chức thì mới đạt kết quả cao nhất; thực hiện công việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; làm việc phải bảo đảm thời gian theo quy định, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”(2). 
Thứ hai, phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao.
        Để nêu cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện được các đức tính của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực tế, đòi hỏi phải có tinh thần chủ động, tự động trong thực thi công vụ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả khi gặp khó khăn, trở ngại, thử thách cam go nhất. Người phân tích một cách cặn kẽ về tự động là: “không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”
       Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở, phải hiểu và thực hiện đúng về tự động, không được tự tiện trong công việc để ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, của bản thân cán bộ, đảng viên, công chức: “tự động không phải là tự tiện. Nhiều bạn lại hiểu nghĩa tự động sai lạc hẳn đi, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng... Hành động như vậy, các Ủy ban đó đã vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán kêu ca”(4)
Thứ ba, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
       Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”(5). Muốn vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, công chức phải luôn luôn ghi lòng, tạc dạ, trau dồi và thực hiện đúng và tốt những đức tính mà cán bộ, công chức cần phải có là: Không tự kiêu, không có cái bệnh “làm quan cách mạng”, Phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm. Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm, Trung thành với mục đích cách mạng: giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”(6). 
       Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, công chức phải có tinh thần tự chỉ trích, tự phê bình. Người chỉ rõ: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác - hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lỗi lầm và bồi bổ những thiếu sót”(7), nguyên nhân là: “tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(8). Từ đó Người chỉ rõ: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”(9). 
Thứ tư, phải trung thực trong nhiệm vụ, không tranh công, không đổ lỗi; cầu thị, có chí tiến thủ, khiêm tốn, không kiêu ngạo. 
       Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại”(10). Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải thấy được những hạn chế còn tồn tại để sửa chữa, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phải thực sự cầu thị, luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”(11), “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ... Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”(12).
       Trung tâm GDTX tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập theo Quyết định số 1847/QĐ-CT ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hoá thực hiện theo chức năng nhiệm vụ tại  Quyết định số 01/2007/QĐ – BGD ĐT ngày 02/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Trung tâm hiện tại có 43 cán bộ giáo viên biên chế và có 11 cán bộ hợp đồng. Đây là đội ngũ đông về số lượng (so với các trung tâm tỉnh trên cả nước), mạnh về chất lượng (giáo viên có trình độ thạc sỹ là 29 GV (02 đ/c đang Nghiên cứu sinh), đại học cao đẳng là 19, cao cấp lý luận chính trị: 02, Trung cấp lý luận chính trị: 11). Gắn bài học của Người với thực tiễn tại Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa, chúng ta thấy: Đa số cán bộ giáo viên đều có năng lực làm việc, có chí tiến thủ và tư duy công việc, tận tâm với công việc, có phương pháp làm việc và tinh thần trách nhiệm cao, đặt lợi ích và uy tín của tập thể lên những mưu cầu nhỏ bé của cá nhân. Vì những điều đó, trong những năm gần đây, tập thể Trung tâm đã gặt hái nhiều thành quả trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cũng như việc nâng cao đời sống vật chất cho CBGV trung tâm. Trung tâm cũng đã thay đổi được diện mạo với cơ sở vật chất khang trang, chất lượng cung cấp các dịch vụ đào tạo cũng được nâng lên, tạo được điểm nhấn trong mắt của các đơn vị bạn và đối tác hợp tác liên kết đào tạo. 
       Nhưng bên cạnh những thành tựu đó, còn một bộ phận nhỏ CBGV vẫn chưa ý thức được vai trò đóng góp của mình với sự phát triển chung của Trung tâm. Vẫn còn thấy đâu đó những suy nghĩ và việc làm ích kỷ, cá nhân, thiếu sự cộng đồng trách nhiệm làm ảnh hưởng tới những hoạt động chung của cơ quan. Vẫn còn đâu đó những lộn xộn trong tư duy, thiếu khoa học trong sắp xếp công việc làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Vẫn còn đâu đó sự thiếu trung thực trong công việc gây những hậu quả không nhỏ tới hình ảnh và uy tín của Trung tâm. Tất cả những điều đó đều có một nguyên do chung, đó là thiếu tinh thần trách nhiệm, mà trước hết vẫn là thiếu tinh thần trách nhiệm với bản thân.
“Trách nhiệm với bản thân” là việc chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của chính mình. Trên thực tế chúng ta vẫn thấy ở Trung tâm căn bệnh “sợ trách nhiệm”. Biểu hiện của việc sợ trách nhiệm là không dám nhận lỗi khi mắc lỗi, đổ lỗi cho hoàn cảnh, khách quan, thậm chí đổ lỗi cho người khác. Nguyên nhân của những biểu hiện đó là thiếu năng lực dẫn tới không tự tin vào bản thân, hoặc có năng lực rồi quá đề cao bản thân dẫn đến việc chối bỏ trách nhiệm, lo sợ khi nhận lỗi vì bản thân sẽ tỏ ra yếu kém, bất lực và đánh mất sự tôn trọng từ người khác, hoặc có năng lực nhưng ích kỉ khiến bản thân luôn tìm kiếm được sự công nhận từ người khác và có cảm giác như mọi người đang cố tình ngăn chặn sự tiến bộ của mình. Tác hại của việc thiếu trách nhiệm bản thân chính là sự gián đoạn trong quá trình trưởng thành về nhận thức, sự thiếu hụt niềm tin của mình với mọi người và của mọi người với mình, không bao dung và sống dựa dẫm. 
       Từ việc thiếu trách nhiệm với bản thân dẫn đến thiếu trách nhiệm với công việc. Biểu hiện của người thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc là không ý thức đầy đủ về chức trách nhiệm vụ của mình, làm việc hời hợt, cẩu thả, qua loa, khi gặp khó khăn thì nản chí, hoặc dựa dẫm vào người khác. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm nên không muốn thay đổi cách làm việc, không chịu lắng nghe ý kiến, đóng góp của những người xung quanh, luôn đặt lợi ích của mình trước nên dẫn đến tình trạng công việc trì trệ và không có hiệu quả. Vì thiếu trách nhiệm trong công việc nên sự chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ công việc cũng không thể có. 
       Từ những thực tiễn trên, chúng ta thấy, để có thể sống và làm việc có trách nhiệm, biết chia sẻ trách nhiệm thì trước hết mỗi cá nhân:
Thứ nhất, cần phổ biến và truyền bá về trách nhiệm và sự chia chia sẻ trách nhiệm cho CBGV trung tâm. Nhưng để truyền bá một cách có hiệu quả, thì trước hết nêu gương phải là các đồng chí lãnh đạo: Ban giám đốc, trưởng các phòng ban, trưởng các tổ chức đoàn thể... 
Thứ hai, giúp CBGV trung tâm hiểu được cụ thể những nội dung của trách nhiệm bản thân, trách nhiệm với công việc và sự chia sẻ trách nhiệm, cụ thể:
       Chịu trách nhiệm với bản thân, đó là: 
       Thừa nhận lỗi lầm giống là một phần trong cuộc sống cũng giống như chúng ta không thể không ăn cơm hay uống nước. Thừa nhận lỗi của mìnhkhông phải là hạ thấp giá trị. Ngược lại giá trị của chúng ta được tăng lên vì chúng ta đã dám thẳng thắn thừa nhận lỗi của mình. 
       Tự tin vào chính mình để không phải biện hộ khi phạm sai lầm. Dần dần chúng ta sẽ có thể nhận ra được hành động của chính mình và chịu trách nhiệm cho hành động ấy. 
       Nâng cao lòng tự trọng của bản thân: Khi chúng ta đã có được niềm tin vào bản thân thì chúng ta đã nhận ra được giá trị thật của chính mình và mở lòng với tất cả mọi người và ghi nhớ quy luật cho và nhận. Hãy cảm nhận được sự cảm thông và lòng thương người. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được việc hình tượng hóa bản thân. 
       Chịu trách nhiệm với công việc, đó là: 
       Hoàn thành công việc đúng thời hạn: Mỗi công việc được giao đều kèm theo những quy định nhất định về thời gian, thời gian này đã được tính toán tương đối phù hợp để mỗi người có thể đạt chất lượng công việc ở mức độ hiệu quả cao nhất. Khi chúng ta không tận dụng tối đa thời gian được giao vào việc thực hiện công việc đó, chúng ta sẽ phải làm bù để bắt kịp tiến độ chung. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các công việc khác. Không phải lúc nào lãnh đạo cũng theo sát để nhắc nhở nhân viên về điều này.Vì vậy, hãy luôn phấn đấu để hoàn thành công việc đúng với thời gian quy định. 
       Tránh lãng phí thời gian làm việc: Thiếu thời gian hoàn thành công viêc, phần nhiều do nhân viên sử dụng thời gian trong giờ làm việc chưa hợp lý, một số người lãng phí thời gian vào các việc khác như: Tán gẫu, sa đà vào lướt web xem phim, “chém gió” trên mạng xã hội…. Vì vậy, thay vì những việc làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, thì chúng ta hãy tập trung thời gian để hoàn thành công việc ngay tại cơ quan. 
       Luôn nỗ lực hết mình: Mọi công việc chúng ta làm tại cơ quan, ngay cả khi nó là một nhiệm vụ nhỏ, hãy luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Để sự nỗ lực không bị uổng phí, chúng ta hãy tập trung cao độ vào những gì đang làm, tránh vội vã, và có niềm đam mê trong công việc. 
       Coi chia sẻ trách nhiệm như việc làm xuất phát từ cái tâm. Nếu có chia sẻ thì trách nhiệm được biến đổi đi, nếu có sự nhìn nhận một cách ý thức, tỉnh táo, lưu tâm thì trách nhiệm sẽ không phải là gánh nặng, không phải vật cản trở. Các bộ phận chia sẻ tầm nhìn của mình, chia sẻ mục tiêu , chia sẻ nhận thức… thì các nhiệm vụ cần tới “trách nhiệm” sẽ tự biến mất theo cách riêng của nó, chỉ còn lại sự yêu thương, đoàn kết, sự gắn bó và khi ấy năng lượng được tổng hòa sẽ có thay đổi về chất và nhiệm vụ được thực hiện trở thành sự sáng tạo, mục tiêu cần đạt được trở thành tác phẩm nghệ thuật.
       Thứ ba, xây dựng văn hóa Trung tâm trên bốn trụ cột " Đoàn kết, Sáng tạo, Thích ứng, Phát triển", nhưng lấy "Trách nhiệm và Sự chia sẻ" làm Nền. Trên nội dung đó, các phòng ban và các tổ chức đoàn thể cùng chung tay để xây dựng và thực thi một cách quyết liệt và có hiệu quả.
Từ công việc, chúng ta có thể thấy: Trong cuộc sống, một gia đình có thành viên thiếu trách nhiệm thì gia cảnh không thể hưng. Một tập thể có những cá nhân thiếu trách nhiệm thì tập thể không thể mạnh. Một quốc gia có nhiều công dân thiếu trách nhiệm thì quốc gia không thể thịnh. Khi sống có trách nhiệm và biết chia sẻ trách nhiệm cùng nhau, con người sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, gắn bó với gia đình, tập thể hơn, xây dựng được mối quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Khi đạt được điều như vậy chúng ta sẽ hòa vào sự tồn tại và ở đâu chúng ta cũng thấy mình có nhà NHÀ và đã trở về NHÀ. Đây cũng là bài học cho cuộc sống từ công việc! 
       Bài học về nhận thức: Trách nhiệm giúp chúng trưởng thành và sống “người” hơn, sẻ chia giúp con người thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, và tìm được niềm vui trong cuộc sống. Đó cũng là một trong những phẩm chất "người", kết tinh giá trị nhân văn cao quý ở con người.
       Bài học về hành động: Sống và làm việc có trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm với những người xung quanh với điều kiện và khả năng có thể của mình.
 
Tài liệu tham khảo:
 (0) Từ điển Tiếng Việt
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 345
 (2),  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 38, 
(4), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 41, 
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t. 6, tr 346
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 34, 26
(8), (9), (10), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 26, 106, 102
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 259
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 74
(13) Cao Văn Thống - Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Truy cập
Hôm nay:
809
Hôm qua:
1045
Tuần này:
2897
Tháng này:
18963
Tất cả:
4047793