Giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên và người lao động ở Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 20/12/2018 (GMT+7)

      Th.Sỹ: Vũ Thị Hằng

PTP. Tổ chức – Hành chính

        Vấn đề về tinh thần đạo đức trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức là vấn đề mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và năm 2014 với chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” và cho đến nay, Chỉ thị này đang có giá trị to lớn trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ đảng viên, công chức, viên chức phải thực hiện tốt các đức tính, phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đồng thời phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và nhất là trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ - nội dung này chúng ta thấy Bác dạy vô cùng sâu sắc. Lời dặn đó của Người càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên trong khuôn khổ thời gian của một chuyên đề, tôi xin được trình bày về nội dung đó là “Giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ CBGV, NV, NLĐ” - đây cũng chính là một phần nội dung quan trọng cần áp dụng trong mọi hoạt động của cơ quan chúng ta hiện nay.

Như vậy, tinh thần trách nhiệm là gì? và làm như thế nào là thể hiện tinh thần trách nhiệm? Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi xin cùng các đồng chí tìm hiểu sâu hơn về tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để từ đó có giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của TTGDTX tỉnh Thanh Hóa.

Khái niệm “trách nhiệm” theo Từ điển Tiếng Việt là “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình” và “Trách nhiệm là phải bảo đảm làm tròn công việc được giao; nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả”. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội xung quanh.

Như chúng ta đã biết, tinh thần trách nhiệm khác với ý thức trách nhiệm - tinh thần trách nhiệm là kết quả của sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về trách nhiệm của mỗi người trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó tác động một cách tự giác đến hành động, công việc và cách ứng xử của họ - và những cá nhân nào có những nhận thức, hành động như vậy được gọi là người có tinh thần trách nhiệm cao. Trong cuộc sống, nếu thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại về vật chất và tổn thương về tinh thần. Tinh thần trách nhiệm là một trong những yếu tố quyết định đến sự  thành bại, sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, tổ chức - nó thể hiện qua lối sống và làm việc.

Giải thích về vai trò trách nhiệm, Bác Hồ đã cho rằng: “Vai trò trách nhiệm là gì? Là khi Đảng hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kì khó hãy dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy v.v… là không có tinh thần trách nhiệm” (Trích: Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia HN, 2000 tập 6, tr.345). Như vậy chúng ta có thể hiểu, việc nêu cao trách nhiệm là cán bộ công chức, viên chức phải đảm bảo làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc bản thân được giao; nếu kết quả thực hiện không tốt hoặc thực hiện sai, thất hứa thì phải gánh chịu hậu quả. việc nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ viên chức là: tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao - khi được Đảng, chính quyền phân công nhiệm vụ, từ dễ hay khó cũng phải đưa cả tinh thần ra để thực hiện đến nơi đến chốn, vượt qua khó khăn để làm cho thành công. Rồi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải có gan phụ trách, dám nghĩ dám làm và biết chịu trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong công việc để có kết quả cao nhất và cần làm việc theo lương tâm. Nếu làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, thấy dễ thì làm, thấy khó thì bỏ hoặc đùn đẩy, tránh né … là không có tinh thần trách nhiệm. Mỗi một người cần ý thức đúng đắn về vị trí trách nhiệm của mình trên mọi cương vị công tác. Đối với tất cả mọi người, ở mọi vị trí công tác, trong bất kì hoàn cảnh nào đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Từ đó, nhìn lại thực trạng về đơn vị của chúng ta, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Thanh Hóa bao gồm 2 cơ sở với tổng số 55 CBGV, NV, NLĐ và 04 phòng chuyên môn. Theo báo cáo đánh giá tổng kết năm học vừa qua: Về chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, viên chức tham gia công tác quản lí các phòng ban phát huy tương đối tốt vai trò và khả năng của mình. Kết quả trong năm 2018, về nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ QLGD đã bồi dưỡng được 20 lớp với 1080 cán bộ QLGD loại hình cập nhật kiến thức 1 tháng và hệ 3 tháng; xây dựng khung chương trình, nội dung các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ cho Tổ trưởng chuyên môn các trường Phổ thông địa bàn toàn tỉnh, đến nay Trung tâm đã tổ chức bồi dưỡng được 1212 Tổ trưởng chuyên môn các trường THPT, Trung tâm HNDN-GDTX huyện, thị, thành phố và gần 2000 Tổ trưởng chuyên môn các trường TH, THCS các huyện, thị xã, thành phố. Về nhiệm vụ LKĐT và công tác QLĐT đã tuyển sinh được hơn 500 học viên hệ LKĐT và gần 700 học viên các lớp Chuyên viên, chuyên viên chính. Đối với nhiệm vụ dạy và cấp chứng chỉ Ngoại ngữ - Tin học đã xây dựng Đề án thi cấp chứng chỉ Tin học cơ bản và nâng cao theo Thông tư 03/TT-BTTTT,  đến nay đã phối hợp khai thác được 6000 học viên dự thi; tư vấn Du học và XKLĐ có hiệu quả cho con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Với nhiệm vụ công tác TCHC - QT, Trung tâm đã bổ sung đầy đủ các trang thiết bị cũng như mọi điều kiện thực hiện nhiệm vụ cho từng cá nhân, từng phòng ban; quản lí con người, cơ sở vật chất, các nguồn lực tài chính chặt chẽ, tiết kiệm và đúng qui định của Nhà nước và qui chế của đơn vị; chi trả đúng, kịp thời các chế độ chính sách cho cán bộ toàn đơn vị v.v…

Có được những thành tích nêu trên, BGĐ và Đảng ủy Trung tâm đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lí, điều hành và tập trung lãnh đạo đội ngũ nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác; thường xuyên phát huy tính gương mẫu trong quá trình chỉ đạo từng phòng ban, các tổ chức đoàn thể để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBGV, NV và NLĐ.  Đa phần cán bộ giáo viên, nhân viên, người lao động có tinh thần trách nhiệm trong giữ vững đạo đức, phẩm chất, có ý thức tổ chức kỉ luật và chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức. Cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ viên chức, nhân viên, người lao động chưa thực sự phát huy hết vai trò trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách của mình, ví dụ:

- Có Đảng viên chưa thể hiện tính gương mẫu, đi đầu; kết quả làm việc chưa cao; chưa chấp hành nghiêm túc nội qui, qui chế của đơn vị; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Có cán bộ các phòng ban chưa làm tốt việc phổ biến văn bản, phân công công việc, kiểm tra giám sát, bình xét thi đua cũng như đánh giá viên chức. Còn có lúc, các phòng ban chưa phối hợp tốt để giải quyết một công việc mang tính liên đới; tình trạng đùn đẩy công việc có lúc vẫn còn xảy ra;

- Còn có viên chức chưa nhiệt tình trong công việc, né tránh không tham gia trong các hoạt động phong trào của các tổ chức đoàn thể CĐ, Đoàn TN, Hội CCB, Hội KH, chưa mạnh dạn trong đóng góp ý kiến xây dựng;

- Một bộ phận cán bộ còn trông chờ vào cấp trên, a dua không vững lập trường, chỉ biết yêu cầu đòi hỏi mà chưa hiến kế, tìm việc cho Trung tâm.

Nguyên nhân:

- Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập đã làm ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt của lực lượng cán bộ, viên chức nói chung  tạo sự chuyển biến về tư tưởng, lối sống, dẫn đến phai nhạt về tinh thần trách nhiệm;

- Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều. Công tác tuyên truyền, giáo dục đôi lúc còn mang tính hình thức; có cán bộ, viên chức thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện tu dưỡng lối sống;

- Có tổ chức đoàn thể chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ viên chức, người lao động để kịp thời chấn chỉnh, có cơ sở đánh giá chất lượng nhiệm vụ;

- Tinh thần phê bình và tự phê bình của cán bộ chưa cao, vẫn còn tư tưởng “dĩ hòa vi quí”, nể nang trong công tác đánh giá, sợ đụng chạm nên việc xử lí trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm chưa thật sự nghiêm túc, làm gương; người tự đánh giá thì thiếu trung thực trong tự nhận xét đánh giá, thường xuyên có tâm lí không thừa nhận bản thân chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm, chưa hoàn thành nhiệm vụ …

* Từ thực trạng đó, trên cơ sở tình hình thực tế tại đơn vị, tôi xin đề xuất một số giải pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, người lao động của TT GDTX tỉnh Thanh Hóa:

1. Xây dựng những qui định cụ thể trong đơn vị về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tiếp tục hoàn thiện việc quản lí cán bộ theo hướng qui định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của từng vị trí việc làm và chức danh của cán bộ công chức, viên chức.

Cụ thể:

- Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ chế phân cấp quản lí phù hợp với từng đối tượng; xây dựng cơ chế quản lí, kiểm tra giám sát của nhân viên, lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát hoạt động của cán bộ công chức, viên chức, người lao động… thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và đồng bộ

- Hoàn thiện qui định về khen thưởng, có chế độ tiền thưởng đối với những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đồng thời có chế tài xử lí nghiêm, công bằng đối với cán bộ thiếu trách nhiệm và vi phạm qui chế của Trung tâm để chấn chỉnh kịp thời và củng cố niềm tin cho toàn đơn vị.

- Mỗi cán bộ, viên chức của Trung tâm cần phải có ý thức tự giác, nghiên cứu tìm hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên. Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; tôn trọng, công tâm và nhất là không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc.

2. Đổi mới phương pháp làm việc và công tác quản lí cán bộ

- Xuất phát từ nguyên tắc: thảo luận thì thảo luận chung nhưng trách nhiệm thì của từng người nên chúng ta cần đổi mới cách làm việc theo hướng người đứng đầu mỗi tổ chức đoàn thể phải chịu trách nhiệm điều hành đội ngũ cán bộ viên chức thuộc quyền thực thi nhiệm vụ. Đến lượt mỗi cán bộ viên chức được phân công nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm bằng chữ kí của mình, hạn chế tình trạng người thực thi nhiệm vụ chỉ có việc nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu, soạn văn bản hoặc tham mưu giúp việc cho lãnh đạo chung chung.

- Trên cơ sở xác định vị trí việc làm, các phòng phải phân công cụ thể rõ ràng, lượng hóa công việc càng rõ thì càng có cơ sở để đánh giá, phân loại cán bộ.

3. Tăng cường kỉ cương, kỉ luật hành chính gắn với nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tính tự trọng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cán bộ công chức, viên chức, người lao động

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm cho toàn thể cán bộ, viên chức Trung tâm. Kịp thời chỉnh đốn uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức và hành động của cán bộ, viên chức. Việc nâng cao nhận thức tư tưởng và tăng cường công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vai trò trách nhiệm cho cán bộ sẽ dần dần hình thành được các chuẩn mực đạo đức trong quá trình làm việc của từng người.

- Các phòng chuyên môn, các tổ chức đoàn thể để cán bộ công chức, viên chức, người lao động vi phạm nội qui, qui chế và không nêu cao được vai trò trách nhiệm của bản thân trong tập thể cần nghiêm khắc xử lí trách nhiệm theo phân cấp quản lí cán bộ; mạnh dạn xử lí kỉ luật và bố trí công tác khác đối với cán bộ vi phạm và người đứng đầu để xảy ra vi phạm nhiều lần, không có biện pháp khắc phục hoặc khắc phục không hiệu quả.

- Cán bộ giáo viên, nhân viên, người lao động cần trau dồi phẩm chất đạo đức chính trị, nâng cao lòng tự trọng thì mới nêu cao được vai trò, ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần công tâm khách quan, vì uy tín và lợi ích chung của đơn vị bởi có tự trọng thì mới không lồng động cơ cá nhân hoặc lợi ích nhóm, từ đó gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của Trung tâm; khi đó chúng ta làm việc mới không để người khác phải đôn đốc nhắc nhở, phê bình và được cá nhân, tổ chức tôn trọng, tín nhiệm, giúp đỡ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thúc đẩy đơn vị phát triển.

4. Nêu cao tinh thần chủ động sáng tạo, tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;  có tinh thần  phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ

- Để nâng cao ý thức trách nhiệm, đòi hỏi cán bộ viên chức cần có sự tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì khi có đủ tự tin thì mới chủ động, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm được giao trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi gặp khó khăn, tránh tình trạng khi nhận được nhiệm vụ gì của cấp trên giao là chỉ biết thi hành một cách máy móc không biết tùy hoàn cảnh, tùy tình hình mà sáng tạo trong quá trình làm việc cho có hiệu quả. Khi không tự tin thì làm việc gì cũng sợ mắc sai lầm dẫn đến thiếu sáng tạo, trông chờ vào hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên hoặc có thái độ thoái thác, trốn tránh đùn đẩy công việc, không biết tự định, tự quyết việc gì cho phù hợp dẫn đến ách tắc trong công việc chung của đơn vị. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức: tự tin, chủ động, tự động nhưng không được tự tiện làm bừa trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính bản thân và tập thể.

- Nêu cao tinh thần cầu thị, hợp tác với đồng nghiệp; thường xuyên chia sẻ ý kiến, đề nghị của mình đối với đồng nghiệp, đấy là biện pháp tốt nhất để có dịp hiểu cách làm việc của nhau và phối hợp ăn ý. Trước mỗi vấn đề, mỗi người sẽ có cách quan sát đánh giá khác nhau, ý kiến cá nhân có thể đúng nhưng chưa chắc đã đủ. Cùng chung vai góp sức giải quyết, nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong phòng ban nói riêng và của Trung tâm nói chung đi đến thành công sẽ bớt khó khăn.

Tóm lại nêu cao tinh thần trách nhiệm chính là sự thể hiện đạo đức của người cán bộ, viên chức Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa. Mỗi cán bộ, viên chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tự vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của cơ chế thị trường, xây dựng niềm tin, sự tâm huyết với nghề, yêu nghề, gắn bó với nghề; thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, tích cực học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác; xây dựng khối đoàn kết gắn bó trong tập thể ... Từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần phát triển toàn diện Trung tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Truy cập
Hôm nay:
870
Hôm qua:
1045
Tuần này:
2958
Tháng này:
19024
Tất cả:
4047854