Trung tâm GDTX tỉnh nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CB QLGD theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
TS. Trịnh Văn Anh - Giám đốc Trung tâm
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”[1]; Người nói:“Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn-hóa”[2]. Nhiệm vụ của nền giáo dục là phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng, Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ thực tiễn”[3]. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Theo Người, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định, giáo dục là sự nghiệp của Đảng, toàn dân, là quốc sách hàng đầu, đặc biệt coi trọng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CB QLGD) đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Thực tiễn đã chứng minh rằng: chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL GD là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy - học, nghiên cứu khoa học … tại các cơ sở giáo dục nói chung, trong đó có Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong giai đoạn hiện nay!
Như chúng ta đã biết: Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL GD là khâu then chốt; chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên; “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL GD. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD”; “Đào tạo con người phát triển toàn diện, chú trọng đến kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”…
Tại Quyết định số 1847/QĐ-CT ngày 06/6/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa; Căn cứ Quyết định số 3050/QĐ-CT ngày 29/9/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh về quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa, một trong những nhiệm vụ của Trung tâm được quy định là: Phối hợp với các trường Đại học, các cơ sở giáo dục của Trung ương và địa phương trong toàn tỉnh; đồng thời cân đối yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các ngành ở địa phương trong toàn tỉnh về nhu cầu học tập của xã hội để tổ chức liên kết đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong quá trình gần 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống giáo dục thường xuyên trong toàn quốc cũng như trong tỉnh - thực hiện hiệu quả nhiệm vụ UBND tỉnh và Sở GD&ĐT giao: liên kết với các trường ĐH, Học viện mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hàng nghìn cán bộ viên chức, công chức có trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và chứng chỉ bồi dưỡng Tin học … đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh Thanh Hóa, phục vụ thiết thực cho sự phát triển KT-XH, ANQP của tỉnh. Có được những thành quả như vậy, chúng ta có thể kể đến có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân khiến cho Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa phát triển đó chính là nhân tố liên quan đến đội ngũ nhà giáo và CBQL GD. Đây chính là lực lượng nòng cốt và vô cùng quan trọng trong việc đưa Trung tâm phát triển đáp ứng những đòi hỏi lớn và ngày càng cao hơn về dân trí, nhân lực, nhân tài của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và phát triển bền vững của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Như chúng ta đã biết, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều Nghị quyết quan trọng về đổi mới giáo dục như Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương Đảng khóa VIII khẳng định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”; “Quản lí giáo dục là khâu đột phá nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Quan điểm này đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Trong những năm qua, Trung tâm đã từng bước xây dựng được đội ngũ nhà giáo và CB QLGD có phẩm chất đạo đức và phẩm chất chính trị tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Đội ngũ nhà giáo và CBQL về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và phát triển KTXH của tỉnh Thanh Hóa.
Những năm đầu mới thành lập, từ chỗ cơ sở vật chất của đơn vị còn thiếu thốn, đội ngũ CBGV, NV và NLĐ còn nhiều bất cập nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT cùng với sự nỗ lực thi đua lao động sáng tạo, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, học tập và tổ chức các Hội nghị lớn của Ngành, đáp ứng đầy đủ việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ CBGV, NV và NLĐ được bổ sung, bồi dưỡng vững vàng về chuyên môn, nhiều CBGV tâm huyết, có trách nhiệm với nghề, dày dặn kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và công tác quản lý. Về trình độ đào tạo, Trung tâm có 02 cán bộ, quản lý là Tiến sĩ, 25 cán bộ quản lý có trình độ Thạc sĩ, còn lại là CBGV có trình độ Đại học.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, Trung tâm tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Việc đào tạo và bồi dưỡng theo phương châm: mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện được nhiều nhiệm vụ - giỏi một việc và biết nhiều việc! Phương thức thực hiện bồi dưỡng chủ yếu thông qua việc tự học tập nâng cao trình độ của CBGV kết hợp với việc cập nhật những kiến thức quản lý mới cho đội ngũ, tạo cơ hội thuận lợi cho đội ngũ phát triển.
Đội ngũ nhà giáo và CBQL từng bước được sắp xếp, bố trí, sử dụng hợp lý. Công tác nhận xét, đánh giá ngày càng đi vào thực chất, đảm bảo phản ánh được năng lực của đội ngũ. Chế độ chính sách được thực hiện kịp thời. Đổi mới công tác quản lý chuyên môn, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Có được những kết quả như trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện cho CBGV hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí cao của tập thể cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo trong đơn vị, vượt khó vươn lên, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn, có tinh thần trách nhiệm cao, có tay nghề vững vàng và yên tâm công tác.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu của sự phát triển giáo dục trong thời kì hội nhập, yêu cầu đội ngũ nhà giáo trong Trung tâm một mặt phải phát huy hiệu quả những ưu điểm, mặt khác phải được phát triển nâng cao chất lượng, khắc phục nhanh chóng những hạn chế.
Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng đội ngũ, Trung tâm đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong các hoạt động giáo dục, trong đó tập trung làm tốt công tác nghiên cứu tài liệu, viết chuyên đề, soạn giảng nội dung các chuyên đề bồi dưỡng CBQL các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ chung của các lớp liên kết đào tạo, tuyển sinh, tổ chức thi cấp chứng chỉ Tin học …
Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các phòng chuyên môn đảm bảo tính kế thừa, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo tính ổn định lâu dài. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, thử thách ngành, lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm các chức danh quản lý phòng chuyên môn, yêu cầu CBGV giữ vững được lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống chuẩn mực.
Nhìn chung, đội ngũ CBGV, NV trong đơn vị đều nêu cao tinh thần tự giác, hăng say làm việc, nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Các thầy, cô giáo và các CBQL của Trung tâm đều có trách nhiệm cao trong việc tự học, tự rèn luyện, đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, đúc rút được nhiều SKKN trong giảng dạy, trong thực hiện nhiệm vụ liên kết đào tạo và trong quá trình quản lý. Trong năm học này, Trung tâm đã tổ chức biên soạn tập bài giảng bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng nhu cầu của đội ngũ CBQL cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trong tỉnh.
Thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với mục đích góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức, tạo cơ hội học, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về công tác đào tạo bồi dưỡng, quản lý chất lượng nguồn nhân lực cũng như phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của nhà giáo gắn với đổi mới giáo dục phổ thông; cập nhật kiến thức thường xuyên, suốt đời để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh. Mặt khác cũng nâng cao hiệu quả tính chủ động, hiệu quả huy động tiềm lực tại chỗ của Trung tâm, của ngành về đội ngũ để góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức, giáo viên các cơ sở giáo dục và người lao động, nhân dân trong tỉnh, tạo cơ hội học tập cho nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng và xã hội hóa giáo dục…
Tài liệu tham khảo:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.222.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.345.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, tr.647.
- TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG KHÓA TỚI "Công tác chuẩn bị cho đại hội"
- HỘI NGHỊ CHUYỂN GIAO, TIẾP NHẬN TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN
- ĐẢNG BỘ TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TỈNH THANH HÓA TỔNG KẾT CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG NĂM 2022 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2023
- Giới thiệu về Đảng bộ Trung tâm GDTX tỉnh
- Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Trung tâm GDTX tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025
- Quyết định Ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Trung tâm GDTX tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025
- Trung tâm GDTX tỉnh nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CB QLGD theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng
- Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, các Chi bộ Đại hội nhiệm kỳ mới 2022 - 2025
- TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐẢNG NĂM 2021, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022
- Công bố Quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, chức danh Bí thư Đảng ủy ...