Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911 – 25/8/2021)Võ Nguyên Giáp – Đại tướng của nhân dân

Đăng lúc: 10/08/2021 (GMT+7)

Cảm nhận về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến lớn lao của Đại tướng với sự nghiệp cách mạng; Những kỷ niệm đáng nhớ về Đại tướng cho thế hệ trẻ ngày nay noi gương để góp sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta ngày phồn vinh, hạnh phúc.

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.
 
I . Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh - Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
 
Tháng 12/1944, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân Đội Quốc gia Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi)
 
Với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đồng chí luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Câu chuyện: “Quyết định khó khăn nhất” Trong cuộc đời chỉ huy của đại tướng.
 
Ngày 5-1-1954, trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát.
 
Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?” Đại tướng trả lời: Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị. Bác động viên: Tổng tư lệnh mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau. Khi chia tay, Người dặn dò Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh ”. Vị tư lệnh chiến dịch “cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng nề.”
 
1. Thay đổi phương án tác chiến - Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời vị chỉ huy
 
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất  như chính đại tướng cũng từng thừa nhận. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng;” thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung
 
Ngày 12/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ cùng đến sở chỉ huy thì được biết phía ta và cố vấn đã thống nhất sẽ nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 20/1, với phương châm là “Đánh nhanh giải quyết nhanh” trong vòng 3 đêm 2 ngày.
 
Lúc này, dù chưa đồng tình với cách đánh nhanh nhưng tại hội nghị phổ biến nhiệm vụ, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp vẫn ân cần căn dặn mọi điều để cán bộ biết phương hướng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ theo phương hướng kế hoạch đã phổ biến. Còn ông xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không.
 
Điều Đại tướng trăn trở không chỉ vì những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “Chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh,” mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sỹ. Ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường. Nếu chiến dịch không thắng, hơn 04 đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Geneva sẽ thế nào!
 
Sau này, những băn khoăn này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trong hồi ký: “Từ hội nghị Thẩm Púa tới khi đưa pháo vào trận địa đối với tôi là một thời gian rất dài. Nhiều đêm thao thức. Suy tính, cân nhắc rất nhiều lần, vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi. Tôi căn dặn các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Mọi người đều phản ánh tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sỹ. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói với tôi trong quá trình chiến đấu, sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm.
 
Nhưng đây chỉ là sự tính toán công việc phải làm. Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ, đảm nhiệm mũi thọc sâu, hoàn toàn giữ im lặng. Sang ngày  thứ chín, hai ngày trước khi nổ súng, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây, đề nghị gặp tôi qua điện thoại. Anh Kiệt  nhận xét: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa”
 
Sau khi lùi thời gian mở màn chiến dịch đến ngày 25-1-1954, rồi lùi thêm một ngày đến 26-1 với lý do khó khăn trong việc kéo pháo vào, chưa đảm bảo sức khoẻ…, sáng ngày 26-1, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - đã nêu rõ quyết định của mình: tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “Đánh chắc tiến chắc”.
 
Thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của mình.
 
Trải qua vài giờ trao đổi, với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng tán thành với sự thay đổi này và nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. 
 
Và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.
 
Có thể thấy, những gì đã diễn ra ở Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa cho thấy, hai yếu tố khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành công trong việc cùng tập thể đi tới sự đồng thuận về cách đánh chiến dịch trước hết là trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, trước xương máu của chiến sỹ và cùng với đó là phong cách sâu sát thực tế, dùng thực tế mà thuyết phục tập thể tiếp nhận yêu cầu cao nhất, đó là bảo đảm đánh chắc thắng.
 
2 .“Đánh chắc” và chiến thắng
 
Triển khai kế hoạch đánh chắc, tiến chắc, với lực lượng dân công trên 260.000 người, bằng đủ loại phương tiện chuyển chở và quyết tâm cao hơn núi, ta đã khắc phục được khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, đảm bảo cung cấp đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công tại mặt trận, mở hàng chục km đường để đưa pháo vào tận trận địa
 
 Bước vào trận chiến, với ba đợt tiến công, bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ hơn 16.000 quân địch đồn trú tại đây, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh đối phương, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneva ngày 21-7-1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.
 
 Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, chiều ngày 7-5-1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries (Đờ -Cát), kết thúc thắng lợi trận quyết chiến còn được xem là một cột mốc đánh dấu thất bại hoàn toàn của Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của họ nói chung sau Chiến tranh thế giới thứ hai qua đó chấm dứt hơn 400 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.
 
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên của đồng chí Tổng Tư lệnh là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó
 2.jpg
II . Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh Nhân dân độc đáo của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
 
Không chỉ là một thiên tài quân sự, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh Nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.
 
Đường lối chiến tranh của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiều luận điểm rất cơ bản, như: phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng; xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực), lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt; tiến hành chiến tranh du kích kết hợp chiến tranh chính quy với quy mô thích hợp trong từng giai đoạn; toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức linh hoạt, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông, tập trung và phân tán lực lượng linh hoạt, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật và tuyệt đối bí mật, đánh chắc thắng; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ… Không chỉ kiên định và quán triệt sâu sắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã tiến hành đường lối chiến tranh Nhân dân hết sức độc đáo, sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Đồng chí hết sức coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng “trong sạch, vững mạnh” trong các lực lượng vũ trang, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Đại tướng kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa; quốc phòng với kinh tế, an ninh… để đạt được kết quả toàn diện trên cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Dưới sự lãnh đạo,chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, đứng đầu là Lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, cùng với Quân đội và Nhân dân Anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điều hành cuộc chiến tranh toàn dân thần kỳ của dân tộc Việt Nam đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược khác của những đế quốc hùng mạnh nhất (Pháp và Mỹ) ở thế kỷ XX. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới.
 
III. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Quân đội và bạn bè quốc tế
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một học trò kiệt xuất của Chủ tich Hồ Chí Minh. Vì vậy, cố Đại tướng là một trong những tấm gương tiêu biểu để thế hệ sau noi gương và học tập để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng .
 
Thứ nhất: Tấm gương tự học và học tập suốt đời
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng có nhiều cách học, trong đó cách học quan trọng nhất và tốt nhất đó là tự học. Thành công của ông trên con đường cách mạng là nhờ một phần rất quan trọng vào điều đó. Làm tướng quân nhưng không qua một lớp quân sự bài bản nào, ông đã nỗ lực tự học, biết lắng nghe, tổng kết kinh nghiệm. Ông đọc nhiều về lịch sử và tìm được ở đó rất nhiều bài học quý giá.Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đại tướng đi công tác thường có người gánh sách đi theo, như vậy việc học tập của đại tướng là việc học tập suốt đời.
 
Đại tướng đã không ngừng học tập trên chiến trường đó là trường học khắc nghiệt nhất. Với ông, trong chiến tranh thắng được một trận mà học được nhiều còn hơn thắng nhiều trận mà chẳng rút ra được bài học gì. Ông học trong mọi tình huống, khi thắng lợi và cả khi thất bại, học từ chiến sỹ cấp dưới đến đối phương của mình.
 
Những thắng lợi và thất bại của ta, những hành động của địch là những bài học quý báu. Chúng ta luôn luôn học tập ở quân địch, học tập trong chiến đấu. Ông luôn rất khiêm nhường trước sức sáng tạo của quân dân trong chiến tranh có nhiều điều tôi không hề nghĩ tới. Chính nhờ thế mà tôi trưởng thành hơn và sáng tỏ hơn nhiều vấn đề.
 
Đại tướng là người luôn biết lắng nghe, biết quy tụ trí tuệ của những người xung quanh mình, không dùng uy lực hay mệnh lệnh hành chính để áp đặt. Khi làm Phó Thủ tướng ở tuổi ngoài 70, bên cạnh nghiên cứu, tiếp cận với những vấn đề mới đang trở thành xu thế của thế giới, ông đã rất nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để đề xuất những vấn đề có tính chiến lược cho sự phát triển khoa học, văn hóa, giáo dục nước nhà.
 
Các nhà khoa học khi gặp gỡ, làm việc với Đại tướng đều ngưỡng mộ, khâm phục về cách đặt vấn đề, phương pháp tư duy, những hiểu biết tường tận về các lĩnh vực mà Đại tướng bàn đến.Với họ ông thuộc lớp đại trí thức đi làm cách mạng. Phải nói đó thực sự là phong cách làm việc của một trí thức khoa học hết sức nghiêm túc, làm chúng ta vô cùng ngưỡng mộ Đại tướng,tận tâm với sự nghiệp giáo dục, tin tưởng ở thế hệ trẻ.
 
Xuất thân là một thầy giáo dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (1939), thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã mang bầu nhiệt huyết cách mạng của mình để cùng với đồng nghiệp truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước thương dân, khơi dậy lòng nhiệt tình và lối sống có trách nhiệm với bản thân, với quê hương, với dân tộc. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Đại tướng đã nhiều lần phát biểu những ý kiến tâm huyết của mình để chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Đại tướng luôn thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của giáo dục, của nhận thức xã hội về hoạt động giáo dục từ những biểu hiện nhỏ đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Tất cả những vấn đề đó được nêu lên với tâm huyết của một nhà cách mạng, một nhà giáo yêu nước.
 
Những lần về thăm quê hoặc đến bất kỳ một địa phương nào, Đại tướng luôn hỏi thăm việc học hành của các cháu học sinh, dặn dò các đồng chí lãnh đạo ngành giáo dục về những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Đại tướng đặc biệt quan tâm việc xây dựng các trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước, nhắc nhở các cháu học sinh phải học tập để đưa đất nước chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, đưa Việt Nam vươn lên sánh vai với các nước trong khu vực và vươn ra thế giới.
 
 Đại tướng tin rằng: Trong công cuộc tiếp tục đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng với việc xây dựng một xã hội học tập, tinh thần sáng tạo và trí tuệ Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, sẽ một lần nữa biến huyền thoại thành lịch sử
 
Có thể nói, suốt cả cuộc đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tận sức, tận tâm phục vụ đất nước. Quãng thời gian làm giáo viên tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại dấu ấn đặc biệt trong tác phong của một vị tướng quân như ông.Thời chiến dùng võ công, thời bình lo văn trị. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời trên hai chặng đường của dân tộc với cả tài năng văn võ vẹn toàn.Tinh thần tự học và học tập suốt đời là một phẩm chất quan trọng của người thầy. Ở góc nhìn đó, có thể khẳng định,Võ Nguyên Giáp là một nhà giáo cách mạng tiêu biểu, một tấm gương sáng để các thế hệ nhà giáo Việt Nam học tập, noi theo.
 
Thứ hai:  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
 
Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết), “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời. Đại tướng không chỉ thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược mà còn là người tổ chức, hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt; luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức; luôn coi trọng thực tiễn, chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, của các chuyên gia, các nhà khoa học…; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.
 
Đại tướng được Nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội mến phục, suy tôn là “Người anh Cả” duy nhất của Quân đội ta, xứng đáng là “Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng”, “Tổng Tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh”. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.
 
Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong lời điếu trong Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc Việt Nam”.
 
Kỷ niệm: 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước và tỉnh ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Trước tình hình đại dịch biến chủng COVID-19 Delta,  diễn biến ngày càng phức tạp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước).
 
Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành, gắn bó mật thiết với nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ta lần thứ XIX. Quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đã đề ra, Góp phần xây dựng nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc ./.
Lê Văn Dũng - Chủ tịch hội Cựu chiến binh Trung tâm
 
 
Truy cập
Hôm nay:
38
Hôm qua:
537
Tuần này:
4433
Tháng này:
10195
Tất cả:
4071956