Bàn về một số giải pháp liên kết đào tạo trong tình hình mới

Đăng lúc: 12/01/2023 (GMT+7)

Ngày 29/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký Quyết định số 56/2020/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá trên cơ sở sáp nhập Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hoá và Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá. Theo đó, từ ngày 01/01/2023, hai đơn vị là một, với tên gọi Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá.


Trước việc sáp nhập hai đơn vị, ngày 09/01/2023, Giám đốc Trung tâm đã tổ chức Hội nghị để công bố Quyết định thành lập các phòng chuyên môn thuộc Trung tâm trước toàn thể cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý I, năm 2023, đặc biệt là nhiệm vụ tuyển sinh liên kết đào tạo.

Như vậy, từ nay trở đi, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá, ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Thông tư số 10/2021/TT-Bộ GDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên còn phải thực hiện theo Quyết định số 44/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Theo đó, số lượng cán bộ viên chức, người lao động được tăng lên; chức năng, nhiệm vụ được bổ sung.

Tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm đã nêu rõ những thuận lợi và những khó khăn thách thức trong thời gian tới, đó là: Trung tâm là một đơn vị có bề dày về công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và liên kết đào tạo. Riêng về nhiệm vụ liên kết đào tạo, trong gần 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã phối hợp với gần 20 trường Đại học, Học viên trong cả nước để tổ chức liên kết đào tạo được hơn 22.000 người có trình độ đại học theo hình thức vừa học, vừa làm. Trong đó, điển hình là đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục, văn hóa xã hội, công, nông nghiệp, nghệ thuật, báo chí, các ngành và lĩnh vực thành phần kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn nhân lực được đào tạo tại Thanh Hoá đã nhanh chóng thích ứng với công cuộc đổi mới của đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Song, tại thời điểm này và những năm tiếp theo thì Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác liên kết đào tạo. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay trình độ đào tạo của đội ngũ công chức, viên chức các xã, phường, thị trấn các trường và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cơ bản đã đạt chuẩn nên nhu cầu học tập của người dân đã giảm mạnh. Mặt khác, do mạng lưới các đơn vị trong và ngoài công lập được giao nhiệm vụ đào tạo ngày càng tăng, loại hình đào tạo ngày càng đa dạng, hình thức học tập ngày càng phong phú, cơ chế hỗ trợ cho công tác tuyển sinh lại linh hoạt, mềm dẻo nên gây khó khăn trong quá trình khai thác tuyển sinh tại đơn vị. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin phát triển đã mở rộng cơ hội học tập cho mọi người học mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều hình thức học trực tuyến, học online, do vậy việc học tập nâng cao trình độ theo hình thức truyền thống ít thu hút được người học.

Trước thực trạng như vậy, Giám đốc Trung tâm yêu cầu mỗi đồng chí cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm nghiên cứu quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, của từng huyện, từng lĩnh vực KT-XH, từ đó xác định nhu cầu thực tế của xã hội để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị tập trung khai thác các mã ngành khả thi trong công tác liên kết đào tạo. Tập trung vào các giải pháp sau:

Một làlựa chọn những cán bộ viên chức, người lao động có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo để bố trí, phân công công việc phù hợp trên cơ sở nòng cốt là cán bộ viên chức của phòng Tuyển sinh - Đối ngoại và phòng Đào tạo - Bồi dưỡng để phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường của từng người.

Hai là, tích cực làm tốt công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, kinh nghiệm, thành tựu liên kết đào tạo của Trung tâm và các đơn vị đào tạo đến nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng mọi hình thức, nhằm cung cấp thông tin cho mọi người được biết, để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp.

Ba là, tranh thủ mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm từ các mối quan hệ ngoại giao; tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đặc biệt là Sở GD&ĐT và các ngành, các địa phương trong tỉnh có nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để mở rộng phương thức tuyền sinh, đa dạng hoá loại hình đào tạo.

Bốn là, không ngừng bảo trì, bảo dưỡng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ liên kết đào tạo, đặc biệt là khai thác hiệu quả các trang thiết bị phòng học công nghệ do trường Đại học Mở Hà Nội trang cấp; phòng máy do Hàn Quốc tài trợ và do dự án Giáo dục Trung học cấp cho Trung tâm trong những năm qua. Đồng thời bổ sung, mua mới các trang thiết bị phục vụ đào tạo, đáp ứng linh hoạt yêu cầu đào tạo trong kỷ nguyên số và trên các nền tảng số hiện nay.

Năm là, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các trường chủ trì đào tạo để khắc phục hạn chế, bất cập trong thời gian qua. Phát huy những lợi thế của các trường chủ trì đào tạo mở những ngành, nghề mới phù hợp xu thế xã hội, phù hợp điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh, của cả nước và thị hiếu của người học.

Sáu là, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ làm nhiệm vụ tuyển sinh liên kết đào tạo để họ có đủ trình độ, năng lực, nghiệp vụ làm việc hiệu quả, tạo sự cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp có hiệu quả với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh để động viên mọi công dân trên địa bàn tỉnh có ý thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Bảy là, hàng năm hoặc cuối mỗi khoá học cần phối hợp với  các trường chủ trì đào tạo để sơ kết, tổng kết công tác liên kết đào tạo về việc phối hợp, việc dạy và học của từng ngành nghề đào tạo để khắc phục những tồn tại, hạn chế.. Từ đó điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đào tạo thích ứng linh hoạt theo nhu cầu người học nhằm đảm bảo khi ra trường sinh viên đạt chuẩn đầu ra, có đủ điều kiện, năng lực đáp ứng hoạt động nghề nghiệp trong tình hình mới. Đồng thời, phối hợp với  các trường chủ trì đào tạo báo cáo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tính thuận lợi, thông suốt, hiệu quả trong việc mở các lớp liên kết đào tạo tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá.

Kết thúc Hội nghị, Giám đốc Trung tâm kêu gọi cá nhân mỗi đồng chí cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm cần xây dựng khối đoàn kết nội bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy niềm đam mê trong công việc để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá phát triển ổn định, bền vững.

Ths. Đào Thị Thuỷ 
Truy cập
Hôm nay:
865
Hôm qua:
1045
Tuần này:
2953
Tháng này:
19019
Tất cả:
4047849