Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc các Trung tâm GDTX tỉnh, thành phố trên toàn quốc lần thứ 29 tại Thanh Hoá

Đăng lúc: 28/03/2023 (GMT+7)

Sáng ngày 26 tháng 3, tại Trung tâm GDTX-Kỹ thuật tổng hợp Thanh Hoá Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) trên toàn quốc lần thứ 29 năm 2023 với chủ đề “Giáo dục thường xuyên linh hoạt, thích ứng trong chuyển đổi số để phát triển bền vững” đã được tổ chức thành công tốt đẹp

Những nội dung liên quan đến chuyển đổi số được các đơn vị đặc biệt quan tâm và gửi đến Hội nghị nhiều tham luận có giá trị thực tiễn gắn với việc xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, giúp cho các đơn vị phát triển bền vững trong bối cảnh toàn Ngành đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Dự và chỉ đạo Hội nghị, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục & Đào tạo và các đồng chí Chuyên viên Vụ GDTX- Bộ GD&ĐT; về phía Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hoá có Nhà giáo ưu tú, UV BCH Tỉnh ủy, PGS.TS. Trần Văn Thức, Giám đốc Sở cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu của gần 50 Trung tâm GDTX tỉnh, thành phố trên toàn quốc; 16 đại biểu là Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp có quan hệ phối hợp với các Trung tâm GDTX trong cả nước. Đặc biệt, tại Hội nghị lần này có 8 đại biểu là các đồng chí nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hoá qua các thời kỳ (nay là Trung tâm GDTX-KTTH Thanh Hoá).  

1.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Với sứ mệnh mở ra cho người học nhiều cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau với nhiều phương thức linh hoạt, tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo hoạt động của các Trung tâm GDTX trên toàn quốc năm 2022 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2023; nghe các tham luận của các đại biểu ở các Trung tâm GDTX trên toàn quốc, các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp có liên quan đến liên kết đào tạo. Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận sôi nổi nhiều nội dung quan trọng, bổ ích; bàn bạc các giài pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát huy thế mạnh của nền tảng số trong quá trình quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong năm 2022, định hướng năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng thời đã chỉ rõ những tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số mang lại như: tạo ra sự kết nối rộng mở hơn, tạo ra cơ hội học tập cho người dân, đặc biệt hữu ích đối với loại hình đào tạo không chính quy, giáo dục thường xuyên. Các nền tảng số giúp chúng ta dễ dàng nắm bắt các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau với tốc độ nhanh chóng, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc nâng cao kiến thức, tiếp cận các nguồn tri thức mới, chia sẻ thông tin, phản ánh các vấn đề mình quan tâm, thể hiện quan điểm và năng lực cá nhân, phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối với nhau, đồng thời tham gia giám sát xã hội ở mọi lĩnh vực. Ngoài ra, chuyển đổi số đã làm thay đổi toàn diện cách sống, cách làm việc của mọi tổ chức, cá nhân, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đó là sự đổi mới trong công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy học. Đối với ngành GDTX, đó chính là cơ sở quan trọng đối với thực hiện mục tiêu giáo dục cho mọi người, tạo cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tiến tới xây dựng xã hội học tập.

Về dự và chỉ đạo Hội nghị, PGS.TS. Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của hệ thống Giáo dục thường xuyên đối với ngành giáo dục và đào tạo. Đặc biệt đồng chí ghi nhận những thành quả đã đạt được của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa (nay là Trung tâm GDTX-KTTH Thanh Hóa) trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú, hiệu quả; không ngừng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo hướng hiện đại; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tương xứng với nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2.jpg

PGS.TS. Trần Văn Thức, Đại biểu Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Nhà giáo ưu tú, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá phát biểu tại Hội nghị  

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX - Bộ GD&ĐT đã đánh giá cao sự đóng góp của các Trung tâm GDTX trên toàn quốc nói chung và ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hoá nói riêng trong nhiều năm qua. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới Câu lạc bộ tiếp tục đoàn kết, sát cánh, đồng hành cùng ngành Giáo dục Việt Nam; tiếp tục duy trì phát triển và hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội để mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; để hệ thống giáo dục thường xuyên ngày càng phát triển lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời giao cho các Trung tâm GDTX trên toàn quốc phải tập trung triển khai hiệu quả mục tiêu Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Từng bước xây dựng hạ tầng công nghệ số, tổ chức các hoạt động an toàn trên môi trường số; ứng dụng chuyển đổi số nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp thiết trong quản lý, chỉ đạo và điều hành các hoạt động giáo dục, không ngừng đưa khối Trung tâm GDTX trên toàn quốc phát triển ổn định, bền vững.

Lãnh đạo Vụ GDTX - Bộ GD&ĐT cũng mong rằng các Trung tâm GDTX trên toàn quốc phải căn cứ vào tình hình địa phương và định hướng chung của ngành, tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, của mỗi tỉnh về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bàn, toàn diện GD&ĐT; thực hiện tốt chương trình GDPT mới góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3.jpg

   PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX - Bộ GD&ĐT phát biểu tại HN

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội đã ghi nhận sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Đại học Mở Hà Nội với hệ thống giáo dục thường xuyên ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng chí cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố để cùng nhau xây dựng một xã hội học tập với 5 chữ “Mở”: mở cơ hội, mở trái tim, mở trí tuệ, mở tầm nhìn, mở tương lai để mọi người được học tập thường xuyên, học suốt đời trên mọi nền tảng trong thời đại chuyển đổi số, mà đi đầu là ngành Giáo dục thường xuyên và trường Đại học Mở Hà Nội.

4.jpg

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tại HN

Tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Vinh đã có ý kiến phát biểu cảm ơn sự đóng góp, phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố đối với trường Đại học Vinh trong suốt những năm qua. Đồng chí cũng khái quát quy mô, mạng lưới đào tạo, ngành nghề đào tạo của trường Đại học Vinh trên toàn quốc và cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các địa phương và cả nước.

5.jpg

      PGS.TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Vinh phát biểu tại HN

Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Vụ GDTX – Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, tham gia các ý kiến tham luận đối với lãnh đạo các Trung tâm, các trường Đại học, Cao Đẳng, TCCN tham dự Hội nghị, Tiến sĩ Hoàng Tiến Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc các Trung tâm GDTX trên toàn quốc đã tổng hợp tình hình và kết luận Hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp nhằm định hướng để các Trung tâm GDTX triển khai trong năm 2023 và những năm tới:

Một là, lãnh đạo các Trung tâm cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính sáng tạo cho đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động và các tổ chức đoàn thể về tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số, cùng nhau xây dựng văn hoá số trong giáo dục. Trước mắt là chuyển đổi số để thực hiện các hoạt động dạy và học, trong hoạt động quản lý, đặc biệt là ứng dụng Công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng chuẩn cho cán bộ giáo viên tại đơn vị. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi hoạt động của Trung tâm GDTX theo Chính phủ điện tử “4 không”, họp không giấy tờ, họp không tập trung đông người, dịch vụ công không gặp mặt, thánh toán không dùng tiền mặt, nhằm tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị trong công tác quản lý, điều hành tại từng Trung tâm GDTX tỉnh, thành phố.

 Hai là, lãnh đạo các Trung tâm tích cực tham mưu cho địa phương tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu trong giáo dục. Bởi lẽ cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ đóng vai trò quan trọng, quyết định phần lớn đến chất lượng đào tạo trong kỷ nguyên thông tin và nền kinh tế tri thức. Lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao để chia sẻ dữ liệu được đồng bộ hơn. Không ngừng bảo trì, bảo dưỡng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ liên kết đào tạo, đặc biệt là khai thác hiệu quả các trang thiết bị phòng học, thiết bị hiện đại nhằm giúp cho học viên dễ dàng khai thác nguồn học liệu số, học trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau.

 Ba là, ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyển sinh các lớp LKĐT, bồi dưỡng, các lớp thực hiện chương trình GDTX cấp THPT nhằm tiết kiệm chi phí tuyển sinh, tạo cơ hội tương tác, tiếp cận người học nhanh hơn; đồng thời giúp quản lý các lớp hiệu quả hơn. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, triển khai kịp thời, từ đó có sự thống nhất về cách làm, phối hợp có hiệu quả trong công tác tuyển sinh và quản lý lớp; thực hiện ứng dụng chuyển đổi số để phối hợp nhịp nhàng từ khâu tư vấn tuyển sinh, thu nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả thi học phần, thi tốt nghiệp…

Từng Trung tâm phải xây dựng hệ thống website, trang fanpage hoạt động đồng bộ nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về các ngành nghề, cấp học đang tuyển sinh một cách chính xác, trực quan, sinh động; cập nhật, bổ sung những thông tin cần thiết nhằm quảng bá hình ảnh, kinh nghiệm, thành tựu liên kết đào tạo của Trung tâm. Từ đó, cộng đồng mạng có thể truy cập, chia sẻ hoặc lựa chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân. Đẩy mạnh việc tương tác trên mạng xã hội với nhiều tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, cho phép người dùng tiếp cận, trao đổi, chia sẻ thông tin nhanh chóng, thường xuyên và liên tục.

Bốn là, lãnh đạo các Trung tâm phải lựa chọn, sắp xếp những cán bộ viên chức, người lao động có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh để bố trí, phân công công việc phù hợp dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng người để khai thác tuyển sinh. Trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng tỉnh, thành phố, của từng huyện, của từng lĩnh vực KT-XH trong tỉnh để từ đó xác định nhu cầu thực tế, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị tập trung khai thác các mã ngành khả thi trong công tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.

Các Trung tâm cần tăng cường tập huấn kỹ năng ứng dụng CNTT, sử dụng các nền tảng công nghệ số cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những người làm công tác tuyển sinh nhằm phục vụ cho việc thiết kế nội dung trang web, fanpage, Zalo, Wechat, Telegram, phần mềm trả lời tự động Chat GPT với giao diện đẹp. Quản lý và tổ chức các kỳ thi, kiểm tra cần áp dụng trên môi trường số như kiểm tra đánh giá học sinh văn hoá kết hợp trực tiếp với trực tuyến (thông qua các phần mềm VnEdu, Azota, Quizzi, Google Form,…). Không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy như phần mềm trình chiếu PowerPoint, Padlet, Mentimeter, Canvas, …; phối hợp liên kết đào tạo hướng tới việc "cá nhân hóa" người học, hướng dẫn người học tự học, tự nghiên cứu, tự hoàn thiện trong quá trình đào tạo và sau quá trình đào tạo.

  Chủ nhiệm Câu lạc bộ tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, với các nhóm giải pháp nêu trên, các Trung tâm GDTX trong cả nước sẽ thực sự là một trong những những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của ngành GD&ĐT, luôn linh hoạt, thích ứng để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Tại Hội nghị, để tri ân các đồng chí nguyên là Giám đốc các Trung tâm GDTX tỉnh, Thành phố đã nghỉ hưu sau Hội nghị lần thứ 28 tại Trung tâm GDTX tỉnh Phú Thọ, Ban tổ chức đã tặng quà lưu niệm của Câu lạc bộ cùng với lời cảm ơn sâu sắc đến những đóng góp không nhỏ của các đồng chí cho Câu lạc bộ trong thời gian công tác.

6.jpg

Ban tổ chức đã tặng quà lưu niệm cho các đồng chí nguyên là Giám đốc các Trung tâm GDTX tỉnh, Thành phố đã nghỉ hưu

Để điều hành tốt hoạt động của Câu lạc bộ trong thời gian tiếp theo, Hội nghị đã bầu ra Ban liên lạc Câu lạc bộ Giám đốc các Trung tâm GDTX trên cả nước năm 2023 gồm 19 đồng chí, đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam phù hợp với cơ cấu vùng miền trong cả nước.

IMG_5142.jpg

Ban liên lạc Câu lạc bộ Giám đốc năm 2023

Hội nghị đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng các đại biểu, khách quý tham dư Hội nghị. Ban liên lạc Câu lạc bộ Giám đốc các Trung tâm GDTX trên toàn quốc đã thống nhất chọn Trung tâm GDTX tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 30 năm 2024.

Ghi chép lại Hội nghị

                                                                                   Ths. Đào Thị Thuỷ

   

Một số hình ảnh tại Hội nghị

8.jpg

 

9.jpg

 

10.jpg

 

11.jpg
 

 12.jpg     

13.jpg     


14.jpg   

15.jpg


Truy cập
Hôm nay:
307
Hôm qua:
1206
Tuần này:
6088
Tháng này:
9619
Tất cả:
3723089