SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ II NĂM 2023 CHI BỘ PHÒNG QUẢN LÝ ĐÀO TẠO – BỒI DƯỠNG

Đăng lúc: 12/06/2023 (GMT+7)

Học tập Bác về “Tự soi, tự sửa” để giáo dục tư tưởng người đảng viên trong việc chấp hành các quy định và xây dựng ý thức làm việc tại đơn vị

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người thường nói: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Do vậy, phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Người căn dặn: “Người tốt việc tốt” như hoa nở mùa  Xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Trong giai đoạn hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để rèn luyện tư cách của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, tự mình “tự soi”, “tự sửa” những khuyết điểm, hạn chế trong công tác và cuộc sống, có ý thức, trách nhiệm cao với chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Theo Bác: “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”. Người cũng nhắc nhở: “Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”. Do vậy, không trung thực trong nhận khuyết điểm thì không thể sửa chữa khuyết điểm.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được rằng người đời không phải thánh thần, ai cũng có phần thiện, ác ở trong lòng. Vấn đề là ở chỗ phải tự soi, tự sửa, kiên quyết chống lại cái ác, những gì cũ kỹ, hư hỏng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta:“Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công việc gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Việc “tự soi, tự sửa” thực tế không hề dễ dàng vì “tính vị kỷ” của con người. Có người không cho rằng mình có sai lầm, khuyết điểm nên không tự soi và vì thế không tự giác sửa chữa, nếu có sửa chữa theo yêu cầu của tổ chức, của cấp trên mà không chủ động thì kết quả của việc sửa chữa đó có thể không căn cơ và vì thế khuyết điểm, sai lầm vẫn còn vấp lại hoặc chỉ thay đổi hình thức biểu hiện. Lại có người không thật sự trung thực khi nói về các hạn chế, khuyết điểm của mình, hay quanh co, đổ lỗi là do “yếu tố khách quan”, “do quá tin tưởng”, “còn chủ quan”… chứ ít thừa nhận mình đã sai.

Sự “tự soi, tự sửa” cần có sự giúp đỡ của tập thể, của đồng chí, đồng nghiệp, trên tinh thần “thương yêu lẫn nhau” như Bác Hồ đã dạy. Nếu nơi nào có hiện tượng phê bình là “vùi dập” thì rõ ràng không thể khuyến khích người mắc lỗi trung thực thừa nhận (tức không dám “tự soi”) và mạnh dạn sửa chữa. Do đó, việc đánh giá khuyết điểm và các cách khắc phục phải được nhìn nhận có lý có tình, có xét cả mặt khách quan lẫn chủ quan, phải quan tâm đúng mức.

Tự soi, tự sửa phải gắn với kỷ cương, kỷ luật. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đầy đủ các quy tắc, điều lệ, các quy định của Đảng của của pháp luật… Bác Hồ đã dạy, việc tự gột rửa, tự sửa chữa của mỗi cán bộ, đảng viên phải là việc làm thường xuyên, liên tục, như rửa mặt hàng ngày.

Tự soi, tự sửa là để mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng, cho tổ chức, giúp cho công việc ngày được tốt hơn.

Tự soi, tự sửa là để tránh tự kiêu, tự đại, tự kiêu, tự mãn…

Tự soi, tự sửa là để luôn luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, phải học và giúp người tiến bộ, không nịnh hót người trên, không xem thường người dưới.

Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải không ngừng phát huy cao độ tinh thần “tự soi, tự sửa”. Mỗi người tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, quyết tâm tự gột rửa, sửa chữa tư tưởng và hành động xấu. Việc “tự soi, tự sửa” để cải tạo tư tưởng phải được tiến hành một cách chủ động, ngăn chặn từ xa, đẩy lùi từ sớm, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, trong hành động của mình và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên như lời căn dặn của Bác Hồ: “ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”.

Thực trạng hạn chế hiện nay của chi bộ.

Trong thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì trong hoạt động chi bộ QLĐT-BD vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục như:

- Năng lực giải quyết công việc của một số cán bộ, đảng viên có lúc chưa thực tập trung cho chuyên môn, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ không đồng đều, còn biểu hiện của hiện tượng trông chờ, chưa chủ động phát huy hết khả năng của mình.

- Việc chấp hành giờ giấc, nề nếp còn có lúc chưa thật sự nghiêm túc.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng tựu chung lại là việc sáp nhập hai chi bộ thành một phần nào đó đã ảnh hưởng tới việc lãnh chỉ đạo và thực hiện công tác chuyên môn có những thay đổi, có đảng viên còn chủ quan, chưa kịp thời trong nắm bắt nội dung công việc dẫn đến còn chậm trong quá trình xử lý...

Để học tập theo Bác trong công tác “Tự soi, tự sửa” lề lối, ý thức làm việc, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, theo tôi cán bộ, đảng viên chi bộ QLĐT-BD trong công tác giáo dục tư tưởng cần xác định thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Đối với chi bộ:

 Cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát. Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tốt nhiệm vụ, làm gương tốt cho nhân dân, Như Bác đã nói:“Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Vì vậy, chi bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát một cách toàn diện, trong đó cần có kế hoạch, nội dung kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Trong sinh hoạt chi bộ định kỳ cần thường xuyên chú trọng đến việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng gương “người tốt, việc tốt” trong thực hành đạo đức để nhân rộng, tạo sức mạnh tổng hợp, khơi dậy nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự đấu tranh, sửa chữa, “gột rửa”, khắc phục những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân cả trong nhận thức, tư tưởng và hành động, góp phần hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của người cán bộ, đảng viên.

2. Đối với cá nhân:

Một là, cán bộ đảng viên phải tự giác trong nâng cao ý thức và tự giáo dục bản thân.

Việc phát huy tính tích cực, tự giác tự rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên được xem là giải pháp mang tính quyết định. Cần tăng cường giáo dục về chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vai trò, sự cần thiết phải tu dưỡng rèn luyện về đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên, ngoài việc xác định mục đích, động cơ, nội dung, phải có nghị lực, quyết tâm cao, có ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để tự học tập, tự rèn luyện; xây dựng cho mình đức tính cần cù, nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ, biết kết hợp giữa học với hành, phải tích cực, tự giác học hỏi để không ngừng hoàn thiện mình, không được thoả mãn dừng lại. Hằng ngày phải tự xem xét lại mình, cái gì đúng, cái gì sai, nguyên nhân vì đâu và suy nghĩ, tìm cách sửa chữa để làm việc tốt hơn, sống đẹp hơn; khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, từ đó chuyển thành nhận thức và hành động tự giác.

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò gương mẫu trong mọi hoạt động.

Cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu nói riêng phải luôn phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý trước hết phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định nêu gương của Đảng; xây dựng chương trình hành động về nêu gương, tự giác thực hiện, làm cho việc nêu gương trở thành việc làm thường xuyên, nếp sống văn hóa trong sinh hoạt, trong công tác, ở mọi lúc, mọi nơi, tạo sự lan tỏa trong chi bộ,  trong cơ quan. 

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào người cán bộ, đảng viên,  phải luôn gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ... Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cũng như kịp thời khắc phục những lệch lạc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cán bộ, đảng viên phải vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với quá trình tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình; Đồng thời phê phán những đảng viên thiếu cố gắng, dựa dẫm, ỷ lại, lười học tập, không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức…

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao công tác tự phê bình và phê bình.

Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình là góp phần củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.  Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để đồng chí, đồng nghiệp đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.

Để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, có ý nghĩa đối với từng cán bộ, đảng viên thì tự phê bình và phê bình phải được thực hiện đúng phương pháp, nghiêm túc, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, mềm dẻo, khéo léo để cán bộ, đảng viên có khuyết điểm nhận ra khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn để tiếp thu các ý kiến phê bình, định hướng đúng đắn cách sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí giúp đỡ lẫn nhau và phải công khai trực tiếp. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tự biết tự phê bình mình trước, rèn luyện phê bình mình trước rồi phê bình người khác sau. Mỗi đảng viên tự đặt ra phương pháp để kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình với sửa chữa khuyết điểm… Đặc biệt, khi thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không áp đặt, soi mói.

Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo trong công tác.

Chất lượng hiệu quả công việc phụ thuộc vào trình độ năng lực của người cán bộ, đảng viên, hay nói cách khác chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính là thước đo năng lực của người cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là quy định bắt buộc. Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống,  mà còn phải tăng cường trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ. 

                                                                                                                                                                                              CHI BỘ QLĐT-BD 
Truy cập
Hôm nay:
192
Hôm qua:
1206
Tuần này:
5973
Tháng này:
9504
Tất cả:
3722974